Thiết kế nội thất ngôi nhà Việt luôn dành một không gian trang trọng và bề thế để thờ cúng tổ tiên. Việc lựa chọn, sắp xếp, kiểu dáng, chất liệu của các vật dụng, trang thiết bị tại góc tâm linh trong ngôi nhà ở
Thiết Kế Góc Tâm Linh Cho Ngôi Nhà Lô Phố Hiện Đại
Thiết kế nội thất ngôi nhà Việt luôn dành một không gian trang trọng và bề thế để thờ cúng tổ tiên. Việc lựa chọn, sắp xếp, kiểu dáng, chất liệu của các vật dụng, trang thiết bị tại góc tâm linh trong ngôi nhà ở hiện đại có nhiều quan niệm khác nhau, vậy làm sao để có được một nơi thờ cúng tâm linh trang trọng và ấm cúng.
Không gian nhà ở hiện đại thiết kế phòng thờ được bố trí theo 2 cách như sau: những gia chủ cao niên thích bố trí phòng thờ trang trọng, hoành tráng, đặt dưới tầng trệt để tiện đi lại nhang khói. Còn những ai theo “phái” trẻ tuổi lại muốn đặt góc tâm linh hay phòng thờ (bàn thờ) trên lầu thượng, làm nhỏ gọn kín đáo, tạo sự tách biệt, thoáng đãng.
Nhưng trong những ngôi nhà phố hiện nay, diện tích không đủ rộng rãi thì việc bố trí một phòng thờ hay bàn thờ dưới tầng trệt sẽ khó đảm bảo thông thoáng, ảnh hưởng qua lại các sinh hoạt khác, đồng thời có thể gặp tình trạng tầng trên sinh hoạt “giẫm chân” lên phần tôn nghiêm trang trọng. Vì thế, giải pháp trung hòa là đặt bàn thờ ở vị trí thuận tiện với việc sinh hoạt đặc thù của gia đình.
Giải pháp phổ biến và hợp lý hơn cả mà thực tế đã kiểm chứng là bố trí phòng thờ nằm ở vị trí tựa lưng vào giếng trời, hoặc nằm trong phòng phía trước nhìn ra ban công, sân nhỏ… để các sinh hoạt khác ít va chạm, tránh bị luồng di chuyển hằng ngày đi xuyên qua, đồng thời dễ thông thoáng hơn khi nhang khói, tề tựu đông người lúc giỗ tết.
.jpg)
Thiết kế nội thất phòng thờ: Trên thực tế nhiều gia đình hiện đại không có nhu cầu làm phòng thờ hay bàn thờ rộng rãi, hoặc do dạng căn hộ nhỏ, cơ cấu gia đình trẻ tuổi, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau… nên góc tâm linh trong nhà đôi khi chỉ là một bàn thờ ông địa thần tài nho nhỏ, một bàn thiên thắp nhang trời đất hay một sàn gỗ ngồi thiền. Cách xử lý các không gian dạng nhỏ như vậy gắn liền với xử lý hệ thống đồ nội thất.
Trần và đèn trang trí phòng thờ: Một góc tâm linh hiện đại hài hòa về ánh sáng cần tính âm, dịu nhẹ hơn là tính dương rực rỡ. Ánh sáng theo các sắc của ngũ hành trong góc tâm linh nên dùng ánh sáng vàng nhẹ (thổ) giúp tạo sự ấm cúng, một số chỗ nếu có tủ sách hay bàn làm việc kiểu hiện đại có thể điểm thêm ánh sáng trắng (kim).
Cách xử lý trần tương ứng với chọn kiểu chiếu sáng, chủ yếu là kiểu dáng nhẹ nhàng, có thể nghiêng hoặc giả cấu trúc truyền thống (rui, mè, dầm nghiêng) để tạo “không khí” tâm linh nhiều hơn các không gian khác.
Sàn và tấm trải sàn: Nếu căn hộ hoặc nhà phố nhỏ hay có kết hợp nơi thờ cúng với thiền tịnh, đọc sách, thư giãn… thì kiểu góc tâm linh hiện đại này cần xử lý sàn khác biệt một chút so với toàn nhà. Những loại sàn mềm (âm tính) và ấm áp như sàn gỗ, sàn tre, trải thảm hoặc chiếu cói sẽ hợp hơn sàn lát gạch đá thuần túy.
.jpg)
Tranh ảnh treo trong phòng thờ: Người phương Đông xưa cũng như người Việt nay hay chuộng các loại tranh phong cảnh, thủy mặc như một giải pháp đưa thiên nhiên vào nội thất. Tại các vị trí không thể trổ cửa, một bức tranh thiên nhiên sẽ đóng vai trò khung cửa giả nhằm bổ sung cảnh trí, tăng thêm sự linh hoạt của góc tâm linh.
Chất liệu, màu sắc của vật trang trí nơi góc tâm linh cũng nên hài hòa theo ngũ hành, như bình gốm sứ thuộc thổ, gỗ mỹ nghệ hay mây tre thuộc mộc, vật dụng màu đỏ cam và có hình tam giác nhọn thì thuộc hỏa… là những dạng vật trang trí hợp không gian tâm linh.
Đồ nội thất: Ngôi nhà truyền thống Việt luôn xem trọng yếu tố hòa hợp thiên nhiên và hướng về hành mộc, hành đặc trưng của phương Đông với tính chất hướng về ánh sáng, phát triển có gốc rễ và tăng trưởng theo thời gian. Tâm thức đó vẫn luôn khiến các gia chủ hiện đại thích dùng nhiều đồ gỗ để thấy nhà nói chung và góc tâm linh nói riêng được ấm cúng, sang trọng hơn.